Giá dịch vụ nhà chung cư Hà Nội vẫn chưa xác thực tế chăng?
Theo ông Hùng, trên thực tế, giá quản lý chung cư, tòa nhà ở Hà Nội hay Tp.HCM ít nơi cao hơn 10.000 đồng/m2/tháng, còn
Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành khung giá dịch vụ mới nhà chung cư trên địa bàn để thay thế khung giá của năm 2015. Tuy nhiên, việc ban hành khung giá quản lý nhà chung cư được đánh giá là không cần thiết và thiếu thực tế.
Theo khung giá mới, nhà chung cư không có thang máy giá quản lý tối đa là 5.000 đồng/m2/tháng, tối thiểu là 700 đồng/m2/tháng. Nhà chung cư có thang máy giá quản lý tối đa 16.500 đồng/m2/tháng, tối thiểu 1.200 đồng/m2/tháng. Trong khung giá này chưa bao gồm các dịch vụ cao cấp như bể bơi, tắm hơi, internet, truyền hình cáp và các dịch vụ cao cấp khác.
Khung giá quá rộng
Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, mức giá trên chưa tính đến các khoản thu được từ kinh doanh dịch vụ của nhà chung cư. Nếu nhà chung cư có nguồn thu từ kinh doanh các dịch vụ khác thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư thì chủ đầu tư, ban quản trị hoặc đơn vị quản lý vận hành phải tính toán để bù đắp chi phí dịch vụ nhà chung cư nhằm giảm giá dịch vụ nhà chung cư.
Theo bà Vũ Kiều Hạnh, Trưởng bộ phận quản lý bất động sản – Savills Hà Nội, việc ban hành khung giá dịch vụ của UBND TP. Hà Nội là khá rộng. Nhưng cư dân và đơn vị quản lý nhà chung cư có hành lang pháp lý thỏa thuận về chất lượng dịch vụ quản lý mỗi tòa nhà. Tuy vậy, bà Hạnh cũng cho rằng áp dụng ở mức phí nào thì việc quan trọng nhất vẫn là sự minh bạch trong thu chi vận hành và rõ ràng trong việc phân định diện tích sở hữu chung và riêng giữa chủ đầu tư và cư dân để tránh rắc rối không đáng có.
Giá dịch vụ nhà chung cư
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Hội Quản lý và bảo trì tòa nhà Việt Nam Nguyễn Thanh Hùng đánh giá, khung giá quản lý nhà chung cư do UBND TP.Hà Nội ban hành là quá rộng và chưa sát với thực tế. Ông Hùng cho rằng, tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, mức phí quản lý 8.000 đồng/m2/tháng là thuộc loại nhà cao cấp. Thông thường, những nơi thu trên mức 10.000 đồng/m2/tháng trở lên là đã bao gồm các dịch vụ, tiện ích gia tăng như bể bơi, phòng gym…
Theo ông Hùng, trên thực tế, giá quản lý chung cư, tòa nhà ở Hà Nội hay Tp.HCM ít nơi cao hơn 10.000 đồng/m2/tháng, còn giá 15.000 đồng/m2/tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng vẫn có những nơi cá biệt, phí quản lý rất cao tương ứng với mức độ dịch vụ tiện ích tốt, đơn cử như chung cư Indochina Plaza ở Q. Cầu Giấy (Hà Nội), phí lên đến hơn 20.000 đồng/m2/tháng, vượt khung của TP. Hà Nội ban hành nhưng người dân vẫn chấp nhận. Như vậy, việc ban hành khung giá quản lý nhà chung cư do cơ quan quản lý nhà nước đưa ra là không cần thiết, thiếu thực tế.
Một chuyên gia BĐS nhận xét, nếu thực sự cần thiết ban hành mức phí quản lý nhà chung cư thì cơ quan quản lý nên tham khảo và căn cứ theo sự phân hạng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành để sát thực tế, hữu ích hơn, chứ khung giá mà Hà Nội đưa ra quá rộng. Vị này cho rằng, việc đưa ra mức giá tối thiểu, tối đa như vậy chỉ là sự thống kê ở các tòa nhà chung cư rồi tổng hợp trình ký ban hành, thiếu sự điều tra khảo sát thực tế về mức độ tiện ích, dịch vụ kỹ lưỡng. Việc ban hành kiểu cho có như vậy thì không nên, vừa tốn kém ngân sách lại thêm phức tạp vấn đề.
Giá phải tương xứng chất lượng
Một số đơn vị nhiều kinh nghiệm về quản lý nhà chung cư cho biết, mức phí ở mỗi nhà chung cư, tòa nhà là khác nhau. Việc xây dựng mức giá căn cứ trên các yếu tố như nhu cầu sử dụng dịch vụ, tiện ích của cư dân; số tiền quỹ bảo trì; diện tích thu phí… được tính toán trên nguyên tắc cân bằng nguồn thu với nguồn chi. Ngoài ra, mức phí còn được đưa ra qua việc đấu thầu của các đơn vị quản lý rồi quyết định thông qua hội nghị nhà chung cư chứ không căn cứ vào khung giá của cơ quan quản lý nhà nước ban hành. Điều quan trọng nhất để cư dân hài lòng là chất lượng dịch vụ tương xứng với giá, công khai tài chính thu chi.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, việc một số địa phương ban hành khung giá dịch vụ nhà chung cư xuất phát từ việc trước đây, một số tòa nhà chung cư thu phí dịch vụ quá cao, khiến người dân phản ứng. Nhằm tăng cường quản lý, cơ quan nhà nước mới ban hành khung giá dịch vụ nhà chung cư để chủ đầu tư, đơn vị quản lý và cư dân căn cứ vào đó thỏa thuận, thống nhất đưa ra mức phí cho tòa nhà chung cư. Trong trường hợp có điều chỉnh mức phí cũng phải được cư dân nhất trí thông qua hội nghị nhà chung cư. Song, phải luôn đảm bảo tính minh bạch về nguồn thu, chi, chất lượng dịch vụ tương xứng với giá. Để việc ban hành khung giá dịch vụ nhà chung cư thực sự hữu ích, thiết thực phải đưa ra được cụ thể về từng gói nội dung chất lượng dịch vụ tương xứng với mỗi mức giá. Nhưng làm được như vậy không phải dễ.
Leave a Reply